Cách đây gần 3 năm, vào ngày 27/7/2017 người dùng Facebook đã chia sẻ một đoạn video dài hơn 2 phút về một cựu binh đứng trước nghĩa trang liệt sĩ tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) thổi kèn Harmonica. Hình ảnh đó đã làm cho nhiều người không thể cầm được nước mắt
Người lính ấy là ông Lê Đức Hợi, 84 tuổi, tổ dân phố Quảng Thái, thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Chiêm Hóa – Tuyên Quang). Nói là nhà ở thị trấn, thế nhưng nhà cựu binh Lê Đức Hợi cũng cách chợ trung tâm huyện Chiêm Hóa khoảng 3 kilomet, men theo dòng sông Gâm xanh biếc, hai bên là những mái nhà xây khang trang, đi hết con đường nhựa dẫn vào tổ Vĩnh Thái một mái nhà nhỏ lúc nào cũng vang vọng tiếng kèn harmonica.
Tôi tìm tới nhà ông khi ông đang lục tìm những vật kỷ niệm của năm tháng hào hùng chiến tranh cách mạng. Năm nay đã bước sang tuổi 86, cùng với di chứng từ chiến tranh nên sức khỏe ông Hợi có đôi phần yếu hơn trước.
Thế nhưng, đôi mắt vẫn ngời sáng với một tình yêu tổ quốc mãnh liệt, một quá khứ hào hùng. Nhấm ngụm trà thơm, ông Hợi hào sảng kể cho chúng tôi nghe về quá trình tiêu diệt giặc Pháp và Mỹ của mình.
Ông vốn có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, ông Hợi gốc người quê lụa Hà Đông (nay thuộc quận Hà Đông – TP. Hà Nội). Năm 13 tuổi, ông đã chơi được đàn An-tô. Năm 15 tuổi, tình cờ, ông bắt gặp 1 người lính viễn chinh Pháp thổi kèn Harmonica bài “Bác Hồ Chí Minh muôn năm” hay mê ly.
Ông Hợi cho biết, ông ta chỉ thổi những bài hát Việt, ca ngợi Bác Hồ, bộ đội Việt Minh ta mà chẳng e sợ trước quân Pháp. Cậu thiếu niên tên Hợi thích thú tiếng kèn rồi đam mê lúc nào không hay. Bài đầu tiên ông Hợi được dạy là bài “Bác Hồ Chí Minh muôn năm”.
Tháng 2-1953, ông Hợi nhập ngũ, là lính của C142 Liên Nam, tỉnh Hà Đông. Trải qua 17 năm trong quân ngũ, đi qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, tiếng kèn Harmonica của ông luôn vang lên trên mọi chiến tuyến, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho đồng đội.
Năm 1955, ông được cử đi tập huấn 3 tháng để về xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ ở đơn vị. Từ năm 1968, ông chuyển sang đơn vị mới, chiến đấu ở mặt trận Bình – Trị – Thiên.
Đầu năm 1969, ông bị địch bắn thương ở đầu. Từ đó, đôi tai ông bị điếc, tới năm 1970, ông được đơn vị chuyển ra ngoài Bắc để điều trị và sau đó xuất ngũ trở về địa phương. Hiện ông là thương binh hạng 4/4 và nạn nhân chất độc da cam (dioxin).
Về với cuộc sống thời bình, cây kèn như người bạn tri kỷ tâm giao, giúp ông thể hiện tình cảm với những người đồng đội của mình đã ngã xuống.
Những ngày này, khi mà cả nước đang hân hoan đón mừng 45 năm ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước 30/4/1975 – 30/4/2020, trong ngôi nhà gỗ nhỏ bé vẫn vang lên tiếng kèn Harmonica. Đôi môi nhẹ nhàng, đôi tay gân guốc điêu luyện lướt trên chiếc khèn với âm hưởng sôi nổi khi “Qua miền Tây Bắc”, “Bác vẫn đang cùng chúng cháu hành quân”, da diết với “Tiếng hát giữa rừng Pắc – Bó”… đã đem lại nhiều cảm xúc của người tới thăm.